Theo tin AMBASSADOR TED OSIUS
Tôi không thích đạp xe lúc trời mưa. Vâng, tôi xin thú nhận: tôi chỉ là một tay cua-rơ trời đẹp. Và vì thế tôi rất bực vì trời mưa tầm tã lúc chúng tôi khởi hành cuộc đạp xe từ Hà Nội vào Huế với tên gọi “Hành Trình Mới”. Hôm đó chúng tôi cũng được biết là ngày lạnh kỷ lục ở Hà Nội trong tận 40 năm.
Tôi đã kêu gọi 20 người bạn và đồng nghiệp Việt Nam và Mỹ tham gia và chuyến đi xe đạp dài 843 km này, trong số đó có cả một người bạn thân của tôi từ thủ đô Washington cách Hà Nội 12 múi giờ cũng bay sang tham dự. Nhóm chúng tôi tập luyện hàng tháng trời, và chuẩn bị kỹ lưỡng cho hàng chục sự kiện ở tám tỉnh: một lễ khai trương trường học, chuyến thăm các doanh nghiệp, các đền chùa, lăng tẩm, và cây cầu lịch sử bắc qua ranh giới vĩ tuyến 17. Nhưng rõ ràng là trời không thương chúng tôi. Trong bẩy ngày chúng tôi đạp xe thì có đến năm ngày là trời mưa. Chính vì thế ngay từ đầu tôi đã thấy trước là hành trình này sẽ không chỉ không dễ mà có thể còn không vui nữa.
Chúng tôi đã mong đợi ngày khởi hành đó thật nhiều. Gần 400 bạn bè Việt Nam qua Facebook đã chia sẻ ý kiến trong một cuộc thi chọn tên gọi cho chuyến đi. “Hành Trình Mới” là lựa chọn của đa số do chúng ta vừa hoàn tất việc kỷ niệm 20 năm tái lập quan hệ và giờ đã sẵn sàng cho một tầm nhìn mới. Chúng tôi muốn chuyến đi đặt trọng tâm vào tương lai: giáo dục thế hệ tiếp theo, giải quyết những thách thức môi trường và y tế, cổ võ cho tinh thần kinh doanh và phát kiến. Chúng tôi cũng muốn trung thực đối mặt với quá khứ buồn hai nước có chung.
Đợt mưa làm chúng tôi tự hỏi không biết có làm xong được chừng đó việc hay không. Vì thế khởi sự ra là chúng tôi phải điều chỉnh kế hoạch để giảm thiểu thiệt hại. Chúng tôi đã rút ngắn thời gian đạp xe trong các ngày thứ nhất và thứ ba vừa là để bảo vệ sức khỏe của các thành viên đoàn trong điều kiện thời tiết quá tệ vừa cũng là để giảm bớt nguy cơ tai nạn trong điều kiện tầm nhìn kém. Nhưng có một điều ngạc nhiên khó ngờ là ngay cả khi bị lạnh và ướt như vậy thì cũng không có ai phàn nàn gì. Nhóm hỗ trợ đi bằng xe buýt hộ tống rót cho chúng tôi cacao và cà phê nóng. Chúng tôi mặc vào người áo mưa và tấm bạt. Lúc ở khách sạn tỉnh lẻ không có điều hòa nóng, một thành viên chu đáo của đoàn đã đi mua về mấy cái máy sưởi điện mà về sau chúng tôi lại mang tặng cho trại trẻ mồ côi ở Hà Tĩnh.
Ở cả tám tỉnh chúng tôi đều được đón chào nồng nhiệt tới mức mà cái lạnh dường như tan biến. Ở vườn quốc gia Cúc Phương, chúng tôi được tìm hiểu về việc bảo vệ loài động vật bị đe dọa nhưng bị buôn bán lậu nhiều nhất thế giới là con tê tê, và về những nỗ lực để bảo vệ loài linh trưởng là con voọc hiện bị đe dọa nghiêm trọng. Ở Thanh Hóa, chúng tôi đã có một quan hệ đối tác với một doanh nghiệp làm về tăng trưởng xanh. Ở Nghệ An, chúng tôi cùng tri ân những bác sĩ tận tâm cứu sống những người bị nhiễm vi rút HIV và ngăn ngừa sự lan truyền của dịch bệnh. Ở Quảng Bình, chúng tôi đã được ngắm nhìn những hang động huy hoàng của Phong Nha, một phần của hệ thống hang động ngầm dưới đất lớn nhất thế giới. Chúng tôi đã khai trương một trường trung học cơ sở ở tỉnh Quảng Trị, và đã trò chuyện với các sinh viên ở Đồng Hới.
Chúng tôi muốn tìm hiểu thêm về lịch sử của Việt Nam, và cũng muốn thành thật đối diện với quá khứ mà hai nước chúng ta chia sẻ, kể cả những khía cạnh đau đớn nhất của quá khứ đó. Chúng tôi đã qua viếng thăm Lăng Hoàng đế Lê Lợi, nơi sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và vượt qua cầu Hiền Lương, một thời từng là lằn ranh phân đôi Bắc và Nam Việt Nam. Chúng tôi đã kết thúc hành trình bẩy ngày đạp xe tại cổng Ngọ Môn của Hoàng Thành Huế. Trong thời gian chúng tôi đi bày tỏ lòng kính trọng lịch sử, văn hóa, và vẻ đẹp thiên nhiên của Việt Nam, thì các đại diện chủ nhà đã đền đáp gấp mười lần mối chân tình đó. Khi chúng tôi tới thăm trại trẻ mồ côi ở Hà Tĩnh, nơi có những trẻ em chịu hậu quả của Chất Da Cam, một em bé 8 tuổi cầm tay tôi suốt từ đầu đến cuối, sưởi ấm tim tôi trong cùng lúc.
Tôi đã nhớ lại về hành trình đạp xe từ Hà Nội đi Thành phố Hồ Chí Minh tôi đi 19 năm trước với bạn bè tôi. Thời đó chúng tôi làm gì có xe buýt đi sau hộ tống, chúng tôi cũng ở trong các nhà khách giản đơn, và lúc đến đích cũng không có quan chức nào ra đón. Lúc đó là Tháng Ba và trời ấm. Nhưng vẫn còn đó những điểm giống nhau: những em bé nhảy lên mừng đón, hét to “hello”; những đồng lúa xanh và những con trâu chậm rãi lướt qua bên đường; chúng tôi đã được ăn phở ngon và mỗi lần dừng lại đều nhận được nhiều lời chào đón thân tình.
“Vạn sự khởi đầu nan.” Một người bạn quý đi cùng đoàn đã giải thích nghĩa của câu tục ngữ này, “việc gì ban đầu làm cũng đều khó cả.” Chúng tôi cũng đã gặp khó ngay từ đầu nhưng chúng tôi đã cùng đoàn kết đối mặt với khó khăn. Người Việt, người Mỹ, người già, người trẻ, người khỏe hay không khỏe lắm – những điều này chẳng có ý nghĩa gì lúc chúng tôi đi, bằng xe đạp, trên xe buýt, hay trong xe van. Tất cả đều chung sức, tất cả đều đưa tay giúp đỡ đồng đội. Chúng tôi trân trọng nhau và những người bạn chúng tôi đã gặp được dọc đường. Điều này đã làm cho hành trình trở nên dễ hơn – và vui hơn nữa – dù trời cứ mưa dầm dề.
Hai nước chúng ta chắc chắn đã từng đối mặt với khó khăn. Vì thế có lẽ chúng ta cũng đã học được một bài học có ích sẽ đưa đường chỉ lối cho chúng ta vượt qua những thử thách để tiếp tục quá trình hòa giải giữa hai dân tộc để xây dựng một tình bạn lâu dài. Cùng nhau, như là một nhóm đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau, chúng ta sẽ đi được xa, rất xa hơn nữa trong hành trình mới của chúng ta.
.